Tin Tức

BẾN TRE:Tỉ lệ giáp xác ngoài tự nhiên nhiễm đốm trắng tăng

Đó là thông báo kết quả quan trắc môi trường ngày 19/9/2017 của Chi cục Thủy sản.Trong đợt thu có 11/35 mẫu giáp xác phát hiện bị nhiễm bệnh đốm trắng.

Qua kết quả quan trắc cho thấy, tỷ lệ mẫu giáp xác tự nhiên phát hiện bị nhiễm bệnh đốm trắng là 31,42% tăng so với kỳ trước (14,28%). Cụ thể như sau: huyện Bình Đại 14,28% tương đương so với kỳ trước (14,28%) và huyện Ba Tri 44,44% tăng so với kỳ trước (11,11%), huyện Thạnh Phú 41,66% tăng so với kỳ trước (16,66%).

Nguồn nước trên các kênh, rạch tự nhiên có các thông số thủy lý, hóa phù hợp cho nuôi tôm biển.

Khuyến cáo  với người nuôi tôm

Qua kết quả phân tích, bệnh đốm trắng trên các kênh rạch ngoài tự nhiên trong đợt thu mẫu tăng so với kỳ trước. Vì vậy người nuôi tôm cần chú ý:

- Đối với các vùng nuôi không còn độ mặn nên chuyển sang nuôi các đối tượng thủy sản nước ngọt hoặc cải tạo cho ao nghỉ đến khi nước mặn sẽ triển khai vụ nuôi 2018; chỉ thả giống tôm biển nuôi ở những vùng độ mặn còn phù hợp trên 6‰. Tuyệt đối không được khoan giếng lấy nước mặn để nuôi tôm biển.

- Thực hiện tốt các biện pháp cách ly nhằm hạn chế sự xâm nhập của các vật chủ trung gian mang mầm bệnh như: Kiểm soát nguồn nước cấp, rào lưới, đuổi chim, cò; hạn chế người, động vật vào khu vực nuôi.

- Tuyệt đối không lấy nước trực tiếp từ kênh cấp vào ao nuôi. Cần bố trí ao lắng và phải xử lý Chlorine 30 kg/1000m3 (sản phẩm thương mại có hoạt chất Chlorine70%) trước khi cấp vào ao nuôi.

- Đối với các ao đang nuôi cần bón vôi CaCO3 quanh bờ ao trước khi trời mưa; sau khi mưa nhiều có thể tháo bỏ lớp nước tầng mặt hoặc bón vôi xuống ao nuôi để hạn chế sự biến động độ mặn và các yếu tố thủy lý, thủy hóa trong ao nuôi.

- Tăng cường quạt nước để cung cấp đủ hàm lượng oxy hòa tan đồng thời định kỳ sử dụng vi sinh, nên tăng cường bổ sung thêm Vitamin C, khoáng chất, Beta glucan, acid amin, men tiêu hóa… vào thức ăn để tăng sức đề kháng cho tôm.

- Kiểm tra sức khỏe tôm hàng ngày như: màu sắc tôm, khả năng hoạt động, vỏ tôm, khối gan tụy, ruột, bộ phụ…để có giải pháp kỹ thuật hợp lý.

- Tiếp tục theo dõi chặt chẽ, diễn biến thời tiết và kết quả quan trắc môi trường khu vực nuôi; theo dõi tình hình dịch bệnh, tổ chức khoanh vùng, xử lý tốt khi dịch bệnh xảy ra, tuyệt đối không được xả thải bùn đáy ao và mầm bệnh ra kênh rạch tự nhiên khi chưa được xử lý; tuân thủ nghiêm theo Hướng dẫn số 512/HD-SNN ngày 12/9/2016 về công tác chống dịch bệnh thủy sản và quản lý sử dụng hóa chất khử trùng trong xử lý dịch bệnh và Công văn số 3482/SNN-CCCNTY ngày 28 tháng 12 năm 2016 về việc bổ sung và chỉnh sửa Hướng dẫn số 512/HD-SNN ngày 12/9/2016.

 

- Khi tôm nuôi có dấu hiệu bị nhiễm bệnh hoặc bị chết bất thường phải khai báo ngay cho Ban quản lý vùng nuôi, nhân viên Thú y xã, Ủy ban nhân dân xã hoặc Trạm chăn nuôi và Thú y, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện để được hướng dẫn cách ly, xử lý dập dịch.

Nguồn: Internet